Nhựa phân hủy sinh học (Biodegradable plastic) sẽ sớm bị cấm ở Úc

Nhựa phân hủy sinh học (Biodegradable plastic) sẽ sớm bị cấm ở Úc

Bài của Jenni Downes và Kim Borg, Đại học Monash, và Nick Florin, Đại học công nghệ Sydney đăng ngày 9/3/2021 trên The Conversation. Dịch bởi Lê Trang, Liên minh Không Rác Việt Nam.

Tuần trước, Chính phủ Liên bang Úc đã khởi động Kế hoạch hành động quốc gia về Nhựa để bắt đầu đối phó với cuộc khủng hoảng về nhựa đang ngày càng trầm trọng ở Úc.

Kế hoạch này đưa ra các hoạt động chống rác nhựa trên nhiều lĩnh vực, từ việc cấm nhựa trên các bãi biển cho đến cấm hoàn toàn việc đóng gói nhựa polystyrene trong hộp đựng mang đi, và dần chuyển đổi việc sử dụng các bộ lọc vi nhựa trong máy giặt. Đặc biệt, nhựa phân hủy sinh học loại chính cũng sẽ bị loại bỏ dần.

Nhựa phân hủy sinh học hứa hẹn là loại nhựa có thể phân hủy thành các thành phần tự nhiên sau khi bị loại bỏ. Ý tưởng là sẽ có một loại nhựa biến mất hoàn toàn theo nghĩa đen khi ở trong đại dương, trên đất liền hoặc các bãi rác – thật sự là một giấc mơ viển vông.

Tại sao nhựa ‘có thể phân hủy sinh học’ lại không thật sự tuyệt vời?

Ý nghĩa của cụm từ “có thể phân hủy sinh học” là dành chỉ các đồ vật được làm từ vật liệu có nguồn gốc thực vật. Nhưng không phải lúc nào điều này cũng được đảm bảo.

Một vấn đề lớn với nhựa ‘có thể phân hủy sinh học’ là chưa có các quy định hoặc tiêu chuẩn về cách sử dụng thuật ngữ này. Điều này có nghĩa là, từ này đang được dùng để chỉ tất cả mọi thứ, trong đó, có cả nhiều vật liệu không thực sự tốt cho môi trường.

Nhiều loại nhựa được dán nhãn là có thể phân hủy sinh học nhưng thực sự là nhựa từ nhiên liệu hóa thạch truyền thống, chỉ phân rã đơn giản như các loại nhựa khác, hoặc thậm chí là “phân hủy oxo”, nghĩa là các chất phụ gia hóa học làm cho những mảnh nhựa từ nhiên liệu hóa thạch này phân rã thành các mảnh vi nhựa. Các mảnh nhựa này thường rất nhỏ nên ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng vẫn tồn tại trong các bãi rác, đường ống nước và đất của chúng ta.

Kế hoạch hành động Quốc gia về Nhựa nhắm đến việc tác động vào ngành công nghiệp để loại bỏ nhựa “dễ phân mảnh” vào tháng 7 năm 2022.

Một số nhựa phân hủy sinh học được làm từ các vật liệu có nguồn gốc từ thực vật. Nhưng thường thì không thể biết chính xác môi trường nào sẽ giúp chúng phân hủy và mất bao lâu để phân hủy hoàn toàn.

Những đồ vật làm từ nhựa này có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ, có khi đến vài thế kỷ ở các bãi rác hoặc các đại dương, vì nhiều loại nhựa có nguồn gốc thực vật cũng không thật sự phân hủy nhanh hơn các loại nhựa truyền thống. Bởi vì không phải tất cả các loại nhựa có nguồn gốc thực vật đều nhất thiết phân hủy được vì một số polyme có nguồn gốc thực vật có thể khiến các vật liệu này trở nên cực kỳ bền bỉ.

Dao kéo bằng nhựa có dán nhãn “có thể phân hủy sinh học”

Vậy, tốt nhất chúng ta nên tránh sử dụng tất cả các đồ nhựa được dán nhãn có thể phân hủy sinh học. Ngay cả sau khi có lệnh cấm các sản phẩm nhựa phân mảnh – loại tồi tệ nhất – thì vẫn không có bằng chứng nào cho thấy các loại nhựa phân hủy sinh học là tốt cho môi trường.

Nhựa phân hủy được cũng không tốt hơn là bao

Nhựa phân hủy được là một loại nhãn khác cho các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường mà ta thường gặp. Nhãn này dành cho các sản phẩm sẽ phân hủy thành các thành phần tự nhiên, không độc hại trong một số điều kiện nhất định.

Không giống như nhựa có thể phân hủy sinh học, nhựa có thể phân hủy được có các tiêu chuẩn chứng nhận, nên ta có thể kiểm tra chúng bằng các nhãn dán bên dưới sản phẩm. Nếu một sản phẩm không có nhãn chứng nhận thì không thể nói rằng đó là một sản phẩm nhựa phân hủy sinh học bị dán nhãn sai.

Nhưng hầu hết các loại nhựa được xác nhận có thể phân hủy chỉ dành cho phân hủy công nghiệp, ở nhiệt độ rất cao. Có nghĩa là chúng sẽ không có khả năng phân hủy hoàn toàn tại hộ gia đình. Ngay cả những thứ được xác định có thể “phân hủy tại nhà” cũng chỉ được xác định trong điều kiện phòng thí nghiệm, nghĩa là không dễ để có đủ điều kiện đó tại hộ gia đình.

Ảnh: Nhãn có thể phân hủy tại nhà (ABA)

Và trong khi các loại nhựa được xác định là có thể phân hủy ngày càng tăng lên, số lượng các cơ sở có thể phân hủy công nghiệp thực sự chưa bắt kịp.

Hệ thống thu gom cũng chưa đủ điều kiện để thu gom nhựa đem đến các cơ sở này. Phần lớn các thùng rác tái chế chất hữu cơ không chấp nhận có sự hiện diện của rác nhựa có thể phân hủy, và các loại bao bì khác. Có nghĩa là, các loại nhựa này sẽ bị coi là ô nhiễm khi bỏ vào các thùng rác tái chế hữu cơ.

Ảnh: Nhãn có thể phân hủy công nghiệp (ABA)

Ngay cả khi ta có thể đưa nhựa có thể phân hủy đến một cơ sở thích hợp, thì nhựa có thể phân hủy cũng thực sự giảm giá trị kinh tế, vì chúng sẽ không thể được sử dụng trong việc đóng gói bao bì hay chế tạo các sản phẩm. Thay vào đó, chúng chỉ còn giá trị trong việc trả lại chất dinh dưỡng cho đất và nếu có thể sẽ được thu lại một phần để tái sản xuất.

Cuối cùng, nếu không có một hệ thống thu gom thích hợp, và các sản phẩm nhựa có thể phân hủy bị chôn vùi trong bãi rác, thì hậu quả còn tệ hơn so với vấn đề của nhựa truyền thống. Nhựa phân hủy được có thể thải ra metan trong bãi rác, một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều so với cacbonic, giống như rác từ thực phẩm thừa có thể gây ra.

Vậy ta chỉ nên xem nhựa có thể phân hủy một khi đảm bảo được rằng có một cơ sở thích hợp cho việc xử lý chúng, và thu gom chúng đúng cách.

Và mặc dù Kế hoạch Hành động Quốc gia về Nhựa và Các mục tiêu Bao bì Quốc gia đã đặt mục tiêu thu hồi ít nhất 70% lượng nhựa vào năm 2025 (bao gồm cả quá trình phân hủy nhựa), thì vẫn chưa có thông tin gì về việc hệ thống thu gom sẽ hỗ trợ mục tiêu này như thế nào.

Việc tái chế có thực sự hữu ích?

Ước tính chỉ có khoảng 9% nhựa trên toàn thế giới (và 18% ở Úc) thực sự được đưa vào tái chế. Phần lớn nhựa đều được đưa đến bãi rác và có thể bị rò rỉ ra đại dương và môi trường tự nhiên của chúng ta.

Ở Úc, các hệ thống tái chế các loại bao bì nhựa phổ biến nhất đã được thiết lập tốt và hoạt động hiệu quả trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều những vấn đề lớn chưa được hiệu quả.

Ví dụ, nhiều đồ nhựa không thể được tái chế ở trong các thùng phân loại rác của hộ gia đình (bao gồm cả các loại nhựa mềm và dẻo như túi hay màng bọc, và các sản phẩm nhỏ như nắp chai, dao kéo và ống hút). Đưa những đồ vật này vào các thùng rác tái chế có thể làm ô nhiễm và làm hỏng các máy phân loại của gia đình.

Hơn nữa, phần lớn nhựa được thu gom để tái chế không có giá trị cao ở “thị trường đầu ra”. Chỉ có hai loại nhựa là PET (chai nước, chai nước ngọt và một số chai đựng chất tẩy rửa) và HDPE (chai sữa, chai dầu gội, dầu xả, chất tẩy rửa) thì có thể dễ dàng được tái chế thành hộp mới.

Các sản phẩm khác sẽ được đưa vào “nhựa hỗn hợp”, phần lớn được xuất khẩu ra nước ngoài để tái chế. Lệnh cấm xuất khẩu chất thải mới có thể sẽ khắc phục được tình trạng này trong tương lai.

Ảnh: Một bản hướng dẫn ngắn gọn để giải quyết rác nhựa một cách có trách nhiệm – Đại học công nghiệp Sydney

Vậy ta phải làm gì với nhựa?

Câu trả lời rõ ràng là phải loại bỏ hoàn toàn các loại nhựa có vấn đề, như Kế hoạch Hành động Quốc gia về Nhựa đang cố gắng thực hiện, và thay thế nhựa sử dụng một lần bằng các chất có thể tái sử dụng.

Những hành động nhỏ như mang theo chai nước có thể dùng nhiều lần, cốc cà phê và dao kéo, có thể tạo ra sự thay đổi lớn, nếu được các doanh nghiệp và chính phủ hỗ trợ đầy đủ để tạo ra sự thay đổi rộng rãi về văn hóa tiêu dùng. Và cũng có thể tránh được việc sử dụng cà phê viên, màng bọc, hay bông ngoáy tai mà chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều.

Với việc lựa chọn sản phẩm cũng vậy, chọn các sản phẩm nhựa làm từ các vật liệu tái chế có thể góp phần ảnh hưởng đến tính khả thi của việc tăng tái chế nhựa.

Nếu bạn đang phải sử dụng sản phẩm từ nhựa, hãy xem hướng dẫn bên trên hoặc đọc Hướng dẫn chi tiết của Đại học Công nghệ Sydney về việc những Hướng dẫn chi tiết trong việc vứt bỏ đồ nhựa.

Link đầy đủ về bài báo: https://theconversation-com.cdn.ampproject.org/c/s/theconversation.com/amp/biodegradable-plastic-will-soon-be-banned-in-australia-thats-a-big-win-for-the-environment-156566