Sử dụng mỹ phẩm có vi nhựa? Nên hay không?

Sử dụng mỹ phẩm có vi nhựa? Nên hay không?

Theo một nghiên cứu mới nhất thì có 9/10 mẫu mỹ phẩm cho thấy sự hiện diện của thành phần vi nhựa gây ô nhiễm môi trường và không thể tiêu hủy. Một con số dấy lên sự lo ngại khi mỹ phẩm là một mặt hàng thiết yếu được sử dụng hàng ngày với tần suất cao.

Mỗi năm có khoảng 3800 tấn vi nhựa được thải ra ngoài môi trường thông qua việc sử dụng mỹ phẩm và chăm sóc da. Đây là ước tính mà Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) đưa ra sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) yêu cầu họ đệ trình đề xuất hạn chế vi nhựa xuất hiện trong một số dòng mỹ phẩm. EU muốn hạn chế các vi nhựa trong các sản phẩm chăm sóc da vì chúng có nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Dự thảo này đang được thực hiện và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2022

Trong một số trường hợp, nhựa có thể chiếm đến 90% thành phần được thêm vào mỹ phẩm. Sau khi được sử dụng, những vi nhựa này khó có nhìn thấy bằng mắt thường, chúng sẽ chảy thẳng từ cống thoát nước của phòng tắm xuống hệ thống cống rãnh. Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải lại không có khả năng lọc sạch hoàn toàn, và đó là con đường mà các hạt vi nhựa đi ra đại dương, trở thành “Súp Nhựa*”. Ngoài ra, các hạt vi nhựa được loại bỏ trong các nhà máy xử lý nước thải cũng bị giữ lại trong bùn, sau đó được bón vào đất nông nghiệp làm phân bón.

Vào năm 2019, EC đã công bố Bản Thỏa thuận xanh châu Âu. Đây là một tập hợp các sáng kiến, chính sách có mục đích làm giảm biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2050. Thỏa thuận này cũng đưa ra luật mới về Kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực xây dựng, đa dạng sinh học, nông nghiệp và đổi mới. Thỏa thuận Xanh tuân theo chiến lược nhựa năm 2018 của EU và đề xuất các biện pháp khuyến khích châu Âu áp dụng các cách tiếp cận bền vững đối với các chất dẻo. Điều này dẫn đến các quy tắc và mục tiêu cho các lĩnh vực khác nhau bao gồm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa, vi nhựa, nhựa sinh học và nhựa có thể phân hủy.

Vào năm 2017, EU đã yêu cầu ECHA xây dựng một đề xuất hạn chế đối với vi nhựa trong các sản phẩm như mỹ phẩm, chất tẩy rửa và các sản phẩm nông nghiệp. ECHA đã trình bày ý kiến đồng thuận với EC vào tháng 2 năm 2021.

Tại báo cáo này, các nhà khoa học yêu cầu những người có thẩm quyền đưa ra 1 số  quyết định áp dụng biện pháp hạn chế và áp dụng chính sách trên nguyên tắc dự phòng đảm bảo sức khỏe môi trường và sức khỏe con người. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo ngành công nghiệp mỹ phẩm cần đảm bảo an toàn về môi trường và sức khỏe con người trong các thành phần mỹ phẩm được sản xuất; cần phải loại bỏ tất cả vi nhựa ra ngoài môi trường và nghiên cứu chất thay thế bền vững hơn mà không gây ô nhiễm môi trường.

Hãy cùng xem toàn bộ báo cáo cũng như lộ trình của các nhãn mỹ phẩm tại LINK

*Súp nhựa (Plastic Soup): Đây là một khái niệm được đưa ra bởi Tổ chức Plastic Soup với mục tiêu đưa khái niệm này phổ biến rộng rãi tới công chúng và các bên liên quan khác về SÚP DẺO, nhằm nâng cao nhận thức và ngăn chặn kịp thời.