THƯ KIẾN NGHỊ LẦN 2 CỦA CÁC TỔ CHỨC VỀ EPR

THƯ KIẾN NGHỊ LẦN 2 CỦA CÁC TỔ CHỨC VỀ EPR

Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đang nhận được mối quan tâm rất lớn của các tổ chức, các doanh nghiệp. Trong tháng 9/2021, đại diện của hơn 30 tổ chức, cá nhân đã gửi Thư kiến nghị đến các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ nhằm đề nghị nhanh chóng đưa dự thảo nghị định EPR vào thi hành. Ngày 11/10/2021, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc Hội, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội đã có văn bản số 187/UBKHCNMT15 gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của tập thể của 30 tổ chức, cá nhân kiến nghị.

Tiếp nối chỉ đạo của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ngày 4/11/2021, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN Việt Nam), Liên minh Không rác (Vietnam Zero Waste Alliance) và Nhóm tư vấn E-policy (E-policy) tổ chức Toạ đàm “thúc đẩy thực hiện Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” nhằm làm rõ các nội dung kiến nghị còn nhiều tranh luận như tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế, Văn phòng và Hội đồng EPR, việc quản lý các khoản thu vào Quỹ Bảo vệ Môi trường nhằm đảm bảo EPR đáp ứng các mục tiêu môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất một số giải pháp cho Chính phủ và doanh nghiệp trong việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu trong EPR. Tham dự tọa đàm có các diễn giả là đại diện từ Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Hiệp hội nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức, cùng hơn 100 đại biểu tham gia. Sau tọa đàm, các tổ chức đã thu thập các ý kiến từ các khách mời và các đại biểu để gửi Thư kiến nghị lần 2 đến các cơ quan liên quan của Chính phủ nhằm góp ý cho Dự thảo nghị định.

Ảnh: Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu trong Tọa đàm 4/11/2021

Nội dung ngắn gọn của Thư kiến nghị như sau:

“Chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, trân trọng cảm ơn và hoan nghênh Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội đã có Văn bản số 187/UBKHCNMT15 ngày 11/10/2021 đề nghị Văn phòng Chính phủ và  Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu và nghiên cứu các kiến nghị của chúng tôi gửi tới các Quý Cơ quan ngày 22/09/2021. Trong đó, Uỷ ban đã nêu rõ việc không lùi thời hạn thực thi trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (được quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ Môi trường 2020) và cân nhắc lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế, mức đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải đối với các sản phẩm, bao bì theo Điều 54 trên tinh thần chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp do đại dịch COVID nhưng vẫn phải đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường.

Chúng tôi được biết ngày 18/10/2021 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đối thoại và ký kết biên bản làm việc với một số Hiệp hội doanh nghiệp sau bản kiến nghị của các Hiệp hội này gửi ngày 11/10/2021. Cuộc trao đổi có nội dung liên quan đến các kiến nghị về Trách nhiệm Mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) mà các tổ chức môi trường chúng tôi đã gửi trước đó, song chúng tôi đã không được mời tham dự. Do đó, chúng tôi tiếp tục gửi Thư kiến nghị lần 2 này tiếp tục làm rõ hơn các quan điểm và lập luận có liên quan nhằm đảm bảo chính sách EPR thực sự đóng góp cho môi trường, cho sức khoẻ cộng đồng, cho việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và vì sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế Việt Nam. Một lần nữa, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường những nội dung như sau:

  • Thứ nhất, đề nghị không lùi thời hạn áp dụng EPR vì ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã đến mức báo động; nếu lùi thời hạn áp dụng EPR cho các sản phẩm, bao bì thuộc Điều 54 Luật Bảo vệ Môi trường 2020 như dự thảo Nghị định thì phải tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc, không thể vừa lùi thời hạn vừa giảm tỷ lệ tái chế bắt buộc vì đồng nghĩa với hi sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế;
  • Thứ hai, đề nghị tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc trong dự thảo Nghị định để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa ngành công nghiệp sản xuất – tiêu dùng và ngành thu gom – tái chế – xử lý chất thải ở Việt Nam, giảm áp lực do ô nhiễm môi trường hiện nay và góp phần thực hiện mục tiêu tái chế quốc gia;
  • Thứ ba, việc phân bổ và sử dụng các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên trong quản lý chất thải, cụ thể theo nguyên tắc 5R, tức là Refuse – Từ chối/ Không sử dụng (sản phẩm không thân thiện môi trường), hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế; Reduce – Giảm thiểu/ hạn chế sử dụng; Reuse – Tái sử dụng; Recycle – Tái chế; Recover – Thu hồi lại nguyên liệu hoặc năng lượng, cuối cùng mới là thải bỏ và xử lý hợp vệ sinh.
  • Thứ tư, bổ sung đại diện của các tổ chức môi trường và xã hội trong Hội đồng EPR Quốc gia để đảm bảo vai trò tham gia cân bằng giữa các bên và thúc đẩy việc thực thi, giám sát xã hội đối với việc triển khai chính sách EPR.
  • Thứ năm, dù Văn phòng EPR Việt Nam có được thành lập hay không, được thành lập dưới hình thức nào, hoặc chức năng điều phối vận hành chương trình EPR quốc gia được phân công ra sao thì chi phí điều phối vận hành EPR phải được lấy từ tiền đóng góp của các nhà sản xuất, nhập khẩu và các Tổ chức thực hiện trách nhiệm của Nhà sản xuất (PROs) thay vì là nguồn ngân sách công vì không thể lấy tiền thuế của người dân để thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.
  • Thứ sáu, áp dụng kiểm soát rủi ro trong hệ thống EPR đối với với các sản phẩm có vòng đời dài, cụ thể là yêu cầu doanh nghiệp đóng tiền đặt cọc, ký quỹ để đảm bảo thực hiện trách nhiệm tái chế trong tương lai.

(Bản giải trình chi tiết 06 kiến nghị nêu trên được gửi kèm theo).

Chúng tôi hiểu rằng COVID-19 đang tạo ra cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có cho cả nền kinh tế và xã hội, nhưng chúng tôi cho rằng đây cũng chính là cơ hội cho phục hồi kinh tế xanh (Green Recovery). Thay vì Chính phủ phải dùng ngân sách để đồng loạt hỗ trợ cho các doanh nghiệp, việc thực hiện EPR là cách hỗ trợ cho ngành công nghiệp thu gom – tái chế – xử lý phát triển mà không tiêu tốn ngân sách công để trợ cấp. Quản lý chất thải không chỉ là một dịch vụ môi trường mà còn có ý nghĩa y tế cộng đồng vô giá giúp giảm thiểu các rủi ro sức khoẻ từ rác thải, điều đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Hơn nữa, ô nhiễm môi trường và vấn đề quá tải hệ thống quản lý chất thải không chỉ là cuộc khủng hoảng của riêng Việt Nam mà còn đang đóng góp vào một cuộc khủng hoảng ô nhiễm trắng ở cấp toàn cầu nên chúng ta không thể tiếp tục lấy trách nhiệm môi trường đi hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Do đó, để bảo đảm quyền của người dân được sống trong môi trường trong lành như Hiến pháp Việt Nam khẳng định, chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiếp thu những nội dung kiến nghị nêu trên để đảm bảo một Việt Nam phát triển bền vững không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho con cháu chúng ta mai sau.

Kính thư.”

Thư kiến nghị lần 2, bản ngắn gọn, kèm theo danh sách các cá nhân và tổ chức đồng ký: https://drive.google.com/file/d/1xVSXdO2n5bK_dlGOgp6PZyOKTQnfGjTB/view?usp=sharing

Thư kiến nghị lần 2, bản chi tiết, kèm theo các phụ lục: https://drive.google.com/file/d/1kuuislYgjdMRzIWb_wSzASE5sp8mHmdy/view?usp=sharing

Thông tin thêm về EPR: https://drive.google.com/drive/folders/1RQslETkB-HrITzhzYQc7B-ap7qo4wDdQ?usp=sharing