Ngày quốc tế của người thu gom rác – Global Waste Pickers’ Day

Ngày quốc tế của người thu gom rác – Global Waste Pickers’ Day

Ngày 1/3 hàng năm được lấy làm ngày quốc tế của những người thu gom rác tái chế phi chính thức thường được gọi với tên thân mật là ve chai hay đồng nát. Ngày này được khởi xướng cách đây 20 năm nhằm tưởng nhớ vụ bức hại 11 công nhân thu gom rác ở Columbia dẫn đến các phong trào đấu tranh cho vai trò của những người đang hoạt động trong nghề này trên khắp thế giới. (Nguồn: Global Alliance of Waste pickers).

Hai thập kỷ đã trôi qua, vai trò quan trọng của lực lượng thu gom rác tái chế phi chính thức đã dần được khẳng định, nhất là trong bối cảnh các bãi chôn lấp rác thải liên tục quá tải, các phương pháp xử lý sai lầm đã và đang gây hậu quả trực tiếp đến môi trường.Mới đây, theo một nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc UNDP tại thành phố Đà Nẵng cho thấy với lực lượng ve chai khoảng 1,000-1,800 người ở thành phố này có thể bao phủ được hơn 80% diện tích địa lý cần thu gom và đóng góp đáng kể trong việc giảm từ 4,31 – 7,49% khối lượng rác cần thu gom để đưa đến bãi chôn lấp mỗi ngày. (Nguồn: UNDP)

Ở thành phố Pune thuộc bang Maharashtra của Ấn Độ, lực lượng thu gom rác phi chính thức đã góp phần thay đổi toàn bộ hệ thống quản lý rác thải đô thị của thành phố. Tại đây, lực lượng này đã thành lập một công đoàn để bảo vệ quyền lợi và sự ghi nhận của cộng đồng cho công việc của họ. Từ đó, công việc thu gom rác tái chế phi chính thức được tổ chức hợp lý và an toàn hơn, có nhà xưởng để tập trung, phân loại rác và xử lý riêng rác hữu cơ. Đồng thời, thu nhập và điều kiện làm việc của lực lượng này được cải thiện một cách đáng kể. (Nguồn: GAIA)

Tuy nhiên, ở Việt Nam, vai trò và tầm quan trọng của lực lượng này có thật sự được ghi nhận một cách đáng kể , và cuộc sống của những người thu gom rác có thật sự được cải thiện ? Nhân ngày Waste Picker’s Day năm nay, Liên minh Không rác Việt Nam thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn với các cô ve chai ở thành phố Hồ Chí Minh, để hiểu rõ hơn về cuộc sống và công việc của các cô.

Với mức thu nhập ít ỏi, cùng điều kiện làm việc thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, lực lượng ve chai đã và đang trải qua cuộc sống mưu sinh đầy vất vả, ngay cả trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Người làm nghề ve chai, đồng nát, người thu gom rác dân lập là lực lượng  tuyến đầu của quá trình tái chế chất thải, giúp tạo ra vòng đời tái sinh cho phế thải, giảm bớt gánh nặng cho những bãi chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Rác thải có thể trở thành tài nguyên nếu được thu gom, phân loại đúng cách và xử lý bằng công nghệ phù hợp. Sự nhìn nhận công bằng và hỗ trợ từ phía chính quyền các cấp đối với lực lượng người thu gom tái chế phi chính thức không những thúc đẩy việc quản lý thu gom, tái chế tốt hơn mà còn góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng về việc phân loại rác tại nguồn và sự công nhận vai trò của những người làm việc với rác, giúp cải thiện cuộc sống của họ, tạo ra nhiều việc làm hơn, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.