Giới trẻ Việt Nam có cần thiết phải xóa bỏ hẳn nhựa ra khỏi đời sống hàng ngày???

Giới trẻ Việt Nam có cần thiết phải xóa bỏ hẳn nhựa ra khỏi đời sống hàng ngày???

“Đừng nghĩ lớn mà không làm gì. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất” – Đây là thông điệp mà các khách mời đã đưa ra tại tọa đàm Giới trẻ Việt Nam và Lối sống không rác, được phát trực tuyến trên Fanpage Vietnam Zero Waste Alliance chiều ngày 27 tháng 07 năm 2022.

Thú nhận rằng mọi người nghĩ anh bị “ma nhập” khi rời bỏ công việc tại một công ty nước ngoài để bắt đầu một công việc tưởng chừng như rất khó khăn – Anh Nguyễn Văn Thơ chủ quán Hidden Gem Coffee chia sẻ rằng mình đã dấn thân vào một công việc thường xuyên phải “ôm” rác và biến chúng từ những đồ vật tưởng chừng như vô dụng thành những đồ dùng có giá trị hơn. Trái lại, chị Hồ Hoàng Oanh – chủ tiệm No Waste To Go tại Đà Nẵng đã chia sẻ câu chuyện khiến mọi người phải thấm thía. Chị Oanh là một người có niềm đam mê với môi trường từ khá sớm, khi mà mọi người xung quanh còn chưa ý thức được sự lạm dụng quá mức của mình đối với nguồn nguyên liệu mà Trái đất có thể cung cấp. Chị Oanh tự nhìn nhận mình không đủ nguồn lực để làm những làm những việc quá to tát nhưng lại đủ điều kiện cho việc tự mở một cửa hàng với tiêu chí không nhựa nằm trong khả năng của mình và có thể đáp ứng được nhu cầu của rất nhiều người yêu môi trường.

Cũng tại tọa đàm, chị Quách Thị Xuân – Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam cũng cho biết, bản thân cũng đã từng cảm thấy khá cô đơn khi chỉ có mình tranh luận tại các hội thảo về việc lên án các hành động đốt rác, bất kể với kết quả đầu ra như thế nào, tạo nhiên liệu mới hay chỉ đơn giản để giảm rác thải khi đưa ra bãi rác. Chị Xuân cũng đưa ra các dẫn chứng về việc khi đốt rác có thể gây ô nhiễm không khí, về những hiểm họa khi chúng ta đốt mà không phân loại rác hay những chất/khí độc hại phát sinh ra trong quá trình đốt rác. Tuy nhiên, đến nay, trải qua gần 5 năm hình thành và phát triển của Liên minh không rác Việt Nam, chị đã phần nào gặt hái được “thành công” – sự chung lòng và thấu hiểu của một bộ phận những người làm môi trường trong vấn đề giảm thiểu đốt rác, hướng tới lối sống không rác thải trở thành một lối sống điển hình tại Việt Nam.

“Thực chất, một trong những phân cấp của mô hình thực hành Không rác là giảm thiểu, vì vậy việc truyền thông của những  cửa hàng như No Waste To Go với mục tiêu thúc đẩy bán hàng, được xem như đang đi ngược lại tiêu chí đó. Vì vậy chị hầu như không muốn đẩy mạnh truyền thông theo hướng này” – chị Oanh trải lòng. Và, No Waste To Go được biết đến với một hình ảnh của 1 tiệm tạp hóa: Bao nhiêu cũng bán.  Chị Oanh cho biết cửa hàng không đặt nặng về việc phải tăng doanh thu mà quan trọng làm sao để có thể lan tỏa được lối sống không rác này tới nhiều người hơn, và cửa hàng của chị có thể là một nơi cung cấp được những thứ mà một người yêu môi trường cần. Bên cạnh đó, chị Oanh thấy rằng việc thúc đẩy mọi người sử dụng sản phẩm hay dịch vụ Zero Waste có thể phụ thuộc vào các đối tượng khác nhau. Chúng ta lấy ví dụ như những đối tượng chưa biết về lối sống này, giải pháp có thể là cung cấp kiến thức, điều đó sẽ giúp thúc đẩy việc thay đổi thói quen sinh hoạt của họ sang lối sống Không rác dễ dàng hơn. Còn đối với những đối tượng đã nhận thức nhưng lại vì một lý do nào đó mà chưa để thực sự thực hành lối sống không rác thì chúng ta cần phải suy nghĩ kĩ càng hơn về một phương án có thể hỗ trợ họ. Thực tế cho thấy, có rất nhiều người đã nhận thức và có nhu cầu với những sản phẩm, dịch vụ liên quan tới lối sống không rác, tuy nhiên việc thực hành còn nhiều trở ngại như: tìm kiếm nguồn cung cấp khó khăn, các nhãn hàng Zero Waste có giá thành cao hay sự tiện dụng chưa thực sự phù hợp.

Chị Phạm Minh Hoa – giảng viên Khoa Truyền thông trường Đại học RMIT phân hiệu Hà Nội chia sẻ việc cố gắng phải thay đổi toàn bộ thói quen và từ chối tất cả các sản phẩm bằng nhựa ngay lập tức là điều không thể. Thay vào đó, chúng ta có thể dần dần thay đổi từ những thứ dễ dàng nhất, để bản thân cảm thấy thoải mái khi lựa chọn Zero Waste là một lối sống hàng ngày. Vì vậy, theo chị Hoa – chúng ta có thể lựa chọn những thói quen nhỏ nhất để bắt đầu và chia sẻ những thói quen đó lên Reels của Facebook với hashtag #30Day_PlasticFree_Challenge #GAIA #VZWA #July2022, tham dự Thử thách 30 ngày không nhựa cùng VZWA.

Thông tin về thử thách vui lòng xem chi tiết tại link