EPR là viết tắt của cụm từ Extended Producer Responsibility, tạm dịch Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. EPR là cách tiếp cận của chính sách môi rường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.
EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.
Mục tiêu của EPR
EPR là một chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc Người gây ô nhiễm phải trả tiền, EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tác động tới môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra trong suốt chuỗi cung ứng, từ giai đoạn thiết kế đến thải bỏ.
Sự phát triển của EPR trên thế giới
Cách tiếp cận của EPR được ghi nhận từ rất sớm trên thế giới (như Bottle Bill được áp dụng ở Vermont, Mỹ từ năm 1953) nhưng chỉ đến năm 1990 EPR mới được Thomas Lindhqvist hệ thống hoá thành nguyên tắc và định nghĩa trong Báo cáo gửi Bộ Môi trường Thuỵ Điển về nghiên cứu tác động môi trường của các sản phẩm.[2] Khác với cách tiếp cận truyền thống trong việc tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề quản lý chất thải và tiêu chuẩn tái chế, EPR giúp Chính phủ đạt được mục tiêu mà không cần tăng thuế hay phí. Điều này khiến cho EPR trở nên hấp dẫn và phát triển nhanh chóng trên thế giới nơi mối quan tâm vào các chính sách quản lý chất thải ở nhiều quốc gia ngày càng tăng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) thống kê từ năm 1970 đến 2015, có đến 384 chính sách EPR đã được phát triển, trong đó, hơn 70% là từ năm 2001. Châu Âu và Bắc Mỹ là nơi áp dụng EPR cao nhất, chiếm tới 90% số chính sách EPR đã phát triển. Các sản phẩm áp dụng EPR cũng rất đa dạng, trong đó nhiều nhất là các thiết bị điện, săm lốp, bao bì, các phương tiện giao thông, pin, ắc quy.
Để đạt được mục tiêu của EPR, các nhà hoạch định chính sách thường thiết lập một loạt công cụ chính sách bổ trợ cho nhau, do đó, EPR thường được mô tả như một tổ hợp các chính sách hơn là một chính sách riêng lẻ. Hiện có rất nhiều các công cụ chính sách có thể được sử dụng cho EPR, OECD chia thành 4 nhóm chính bao gồm:
- Yêu cầu thu hồi sản phẩm sau sử dụng hoặc thải bỏ (với tỷ lệ mục tiêu thu gom, tái chế cụ thể);
- Các công cụ kinh tế và dựa trên thị trường (khuyến khích tài chính);
- Quy định và tiêu chuẩn thực hiện: như hàm lượng tái chế tối thiểu; Thiết kế vì Môi trường;
- Các công cụ thông tin.
Việc sử dụng các công cụ chính sách khác nhau và việc kết hợp chúng phụ thuộc nhiều vào bối cảnh quốc gia, mục tiêu ưu tiên cũng như đặc điểm của dòng chất thải. Ví dụ, công cụ đặt cọc – hoàn trả chỉ áp dụng với bao bì mà không phù hợp áp dụng cho dòng chất thải như thiết bị điện tử. Trên thế giới, yêu cầu thu hồi chiếm tới 70% các công cụ chính sách được sử dụng, tiếp theo là phí thải bỏ trả trước với 17%, đặt cọc – hoàn trả chiếm 11% và các công cụ khác khoảng 2%.
Ai là nhà sản xuất???
Nguyên tắc hàng đầu của EPR là tìm ra các bên có khả năng ảnh hưởng hiệu quả nhất đến sự thay đổi theo hướng cải tiến sản phẩm và hệ thống sản phẩm.
Do đó, Nhà sản xuất được định nghĩa là người có quyền kiểm soát cao nhất đối với việc lựa chọn vật liệu và thiết kế của sản phẩm. Kinh nghiệm quốc tế khuyến nghị Nhà sản xuất hay người có nghĩa vụ thường bao gồm:
(1) Chủ sở hữu thương hiệu;
(2) Nhà nhập khẩu đầu tiên;
(3) Người đóng gói bao bì (fillers) thay vì chính công ty sản xuất chính bao bì;
(4) Đơn vị cung cấp nền tảng thương mại điện tử và có thể là các công ty chuyển phát bưu kiện (như đơn vị giao hàng và dịch vụ bưu chính) trong trường hợp thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngoài ra, trong một số trường hợp tại một số quốc gia, các đơn vị bán lẻ sử dụng bao gói bọc bên ngoài các sản phẩm bán ra (còn gọi là bao bì thứ hai) cũng có thể được coi là nhà sản xuất.
EPR VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Hệ thống EPR cho phép nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình hoặc bằng cách cung cấp các nguồn tài chính cần thiết và/ hoặc bắt đầu tiếp quản một số khía cạnh vận hành trong quy trình quản lý chất thải rắn từ các đô thị. Trách nhiệm có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc; Hệ thống EPR có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc theo nhóm/ tập thể. Các hệ thống EPR trên toàn thế giới có xu hướng tuân theo một số phương pháp tiếp cận: gồm hình thành một Tổ chức thực hiện trách nhiệm của Nhà sản xuất (Producer Responsibility Organization – PRO) (duy nhất theo ngành hàng hoặc nhiều PRO trong cùng ngành hàng và cạnh tranh với nhau), hình thành Quỹ do Chính phủ quản lý và vận hành, tín chỉ giao dịch bên cạnh việ các tổ chức tự thực hiện. Ngoài ra, Nhà sản xuất có thể thực hiện trách nhiệm độc lập. Tuy nhiên, mô hình vận hành EPR với sự hình thành PRO là phổ biến nhất với nhiều ưu điểm trong việc chuyên môn hoá các hoạt động cũng như tối ưu hoá các chi phí.
SỰ PHÁT TRIỂN EPR Ở VIỆT NAM
Khái niệm EPR lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng. Ý tưởng chính để phát triển EPR ở Việt Nam là tìm kiếm một giải pháp tài chính để giải quyết tình trạng ô nhiễm do tái chế không chính thức trong các làng nghề. Hiện nay EPR được thực hiện theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được áp dụng với 05 nhóm ngành hàng gồm (i) Ắc quy và pin; (ii) Thiết bị điện, điện tử; (iii) Dầu nhớt các loại; (iv) Săm, lốp và (v) Phương tiện giao thông.[5] Trong đó, thời hạn thu hồi và xử lý được áp dụng cho phương tiện giao thông từ 1/1/2018 còn các nhóm còn lại từ 1/7/2016. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn tương đối khiêm tốn.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có những điều chỉnh căn bản về chính sách EPR và được quy định trong Điều 54 và Điều 55. Quy định Trách nhiệm Tái chế (Điều 54) sẽ đặt ra tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc cho các ngành hàng, tiếp tục áp dụng với các ngành hàng theo Quyết định 16/2015 và mở rộng đối với các sản phẩm (i) tấm quang năng và (ii) bao bì. Hội đồng EPR quốc gia với đại diện của các nhà sản xuất, nhà tái chế, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức môi trường và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ quyết định tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc. Đối với Trách nhiệm Xử lý (Điều 55) sẽ áp dụng với các sản phẩm như (i) bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, sơn, keo; (ii) kẹo cao su; (iii) Thuốc lá điếu; (iv) tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng 1lần; (v) một số sản phẩm có sử dụng thành phần chất dẻo tổng hợp khó thu gom, tái chế và xử lý. Hiện tại, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện soạn thảo hướng dẫn chi tiết việc thực thi EPR theo quy định mới. Tổ công tác EPR ở Việt Nam đã được thành lập để thúc đẩy đối thoại đa bên trong xây dựng chính sách và thực thi EPR tại Việt Nam.