Trong cuộc họp COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa vấn đề công nhân xử lý rác thải phi chính thức của Việt Nam – điển hình là phụ nữ, bị trả lương thấp nhưng chính họ lại đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Vì vậy nên chăng, chúng ta cần phải đưa những đối tượng này vào nhóm những đối tượng cần được đối xử công bằng để họ có thể được quan tâm tương xứng theo vai trò của họ đang đóng góp cho xã hội nói chung và cho vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu nói riêng. Bên cạnh đó, tại buổi đàm phán INC-1 ở Uruguay diễn ra vào tháng 12 năm 2022 vừa qua, các thành viên của Hội nghị có đưa ra một sáng kiến chuyển đổi công bằng dành cho các đối tượng đang làm việc trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác nhựa. Sáng kiến này được xây dựng theo định nghĩa chấm dứt ô nhiễm nhựa một cách công bằng và toàn diện nhất, tạo cơ hội việc làm bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau. Nó dành cho tất cả những người lao động làm việc trong môi trường chính thức và phi chính thức, đặc biệt là những người nhặt rác. Theo đó, công cuộc giảm nhựa toàn cầu sẽ đồng thời cần phải giảm thiểu và quản lý chặt chẽ các thách thức, bao gồm việc đảm bảo sự công bằng của các nhóm lao động, đảm bảo việc làm tốt hơn cho người lao động ở tất cả các chuỗi hoạt động sản xuất nhựa.
Vì vậy, Liên minh không rác Việt Nam cùng Hội phụ nữ TP. Hội An, mong muốn thông qua buổi đối thoại có chủ đề “Vai trò của Phụ nữ và Nữ Ve chai trong công tác thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa”, nhằm tìm hiểu được tâm tư cũng như nguyện vọng của các chị, dựa vào đó có cơ sở đề xuất tại Hội nghị INC-2, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới đây tại Pháp.
Tham gia chương trình là sự có mặt của hơn 50 nữ ve chai đang hoạt động tại Hội An, đại diện UBND thành phố Hội An, đại diện Hội phụ nữ Hội An và đại diện nhà tài trợ.
Phát biểu tại chương trình, bà Ngô Thị Nhung – Hội trưởng Hội phụ nữ thành phố, có đưa ra những thành tựu mà các thành viên đã thực hiện được trong năm 2022, về số lượng rác giá trị thấp và giá trị cao mà các thành viên thực hiện. Bên cạnh đó, Hội cũng đã hiện thực hóa được lượng rác này khi biến chúng thành những sự hỗ trợ có giá trị dành cho các thành viên hay trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Cũng tại chương trình, bà Quách Thị Xuân – Giám đốc đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam chia sẻ những trăn trở của mình dành cho nhóm nữ công nhân nhặt rác, ve chai tại Việt Nam: Việc tri ân và nhìn nhận đúng vai trò của các công nhân ve chai là một vấn đề rất quan trọng và cần được các đơn vị quản lý quan tâm hàng đầu. Theo đó, nhóm lao động này chịu trách nhiệm thu gom và thu hồi tới 60% tổng số nhựa để tái chế, như vậy có thể thấy họ là chìa khóa để giảm tình trạng ô nhiễm nhựa đang rất nhức nhối hiện nay, nhưng công việc của họ hiếm khi được coi trọng và họ phải thường xuyên vật lộn để kiếm sống.
Diễn đàn đã thu nhận được những thuận lợi và khó khăn của nhóm lao động yếu thế này khi triển khai công việc tại Hội An. Thậm chí, sự kiện còn mở ra những cơ hội để lắng nghe tâm tư của nhóm lao động với những mong muốn tưởng chừng như đơn giản nhưng họ lại đang rất thiếu thốn, như bảo hiểm y tế hay những đơn vị sẵn sàng hỗ trợ giải quyết vấn đề đầu ra của rác thải nhựa mà họ đã dày công phân loại cũng như xử lý từ nguồn rác sinh hoạt thành phố.
Kết thúc chương trình, đơn vị tài trợ Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương, cùng với các đơn vị thành viên Mạng lưới BFFP toàn cầu hi vọng có thể hiện thực hóa những mong mỏi của nhóm lao động ve chai trong thời gian sớm nhất, bằng cách đưa những ý kiến này lên các diễn đàn lớn hơn như INC2 tại Pháp hay các tổ chức nhà nước, hướng tới một tương lai giảm rác thải nhựa nhưng sẽ không bỏ ai lại phía sau.
Một số hình ảnh tại diễn đàn: